Friday 6 March 2009

Chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3


















Nhân ngày 8/3 , ngày quốc tế phụ nữ Xin gửi tới những người mẹ, người chị, người con gái Việt nam bó hoa tươi thắm, lộng lẫy sắc hương.
Điều phụ nữ cần nhất không phải là tiền, không phải là sôcôla, cũng không phải là hoa hồng, mà là tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ và đặc biệt là sự tôn trọng. Phụ nữ ở Việt Nam chưa thực sự được tôn trọng! Cái sự không tôn trọng này thường đến từ nửa kia của Thế giới, nhưng đôi khi, nó cũng đến từ chính những người "cùng dấu". Sự thiếu tôn trọng phụ nữ được thể hiện ngay từ khi họ chưa được sinh ra. Nếu chỉ được sinh một đứa con, lựa chọn đầu tiên của hầu hết các cặp vợ chồng là con trai. Đôi khi, có ông chồng cũng thích con gái hơn, hoặc vì là người biết thông cảm với vợ nên không đòi hỏi cứ phải có con trai. Tuy nhiên, chính các bà vợ lại là người mong có con trai hơn cả. “Để cho yên tâm. Mình lấy chồng, cũng muốn đẻ cho nhà chồng một đứa con trai” – đây là suy nghĩ của hầu hết phụ nữ Việt Nam.Lúc còn nhỏ, các bà mẹ thường chỉ chăm chăm dạy cho con gái làm việc nọ, việc kia, trong khi những cậu con trai thì được nuông chiều hơn. Ở nông thôn, nếu nhà nghèo sẽ chỉ có con trai được đi học, còn con gái thì đầu tắt mặt tối lo làm lụng vất vả mà vẫn luôn bị mắng là “đồ vịt giời”. Lúc con gái đi lấy chồng, các bà mẹ cũng luôn căn dặn con phải chiều chồng thế này, phải chăm sóc bố mẹ chồng thế kia… mà không hề đòi hỏi con gái phải trả nghĩa nuôi dạy của mẹ đẻ như thế nào. Còn những ông bố chồng, những bà mẹ chồng thì mặc nhiên hưởng thụ các đặc quyền là “soi” con dâu, nhưng lại ra sức phục vụ, thậm chí phục tùng… con rể.“Con bé ấy may mắn thật đấy. Chồng nó tốt lắm, hiền lành, chịu khó, thương yêu vợ con!”- Họ nói cứ như việc thương yêu vợ con là một đặc ân mà đàn ông ban cho phụ nữ vậy. Trong khi đó, việc phụ nữ thương yêu, hết lòng chăm sóc, thậm chí hy sinh cho chồng, cho con lại là một lẽ đương nhiên – không thế mới là lạ! Mà “lạ” kiểu đó thì biết nhau ngay. Dư luận lập tức xông vào “tổng sỉ vả” người phụ nữ đáng thương đó. “Đàn ông như thế còn chấp nhận được, đằng này lại là phụ nữ!” – chắc hẳn ai cũng từng được nghe một câu nói tương tự như vậy. Đàn ông có thể muộn vợ, đàn bà thì khó được chấp nhận nếu muộn chồng. Người ta có thể coi một người đàn ông muộn vợ là lý tưởng: “Anh ta thành đạt, lại còn độc thân, thật lý tưởng!” nhưng “Ngoài 30 tuổi rồi mà còn chưa có chồng, tội nghiệp. Chắc là lại có vấn đề gì rồi!”. Hoặc: “Trời ơi, mọi người biết không, bà H. vừa bị phát hiện có bồ đấy, thế có ghê không. Biết là chồng bà ấy chẳng ra gì, rượu chè, trai gái, nhưng mình là đàn bà, vẫn phải giữ gìn chứ!”…Khi một người đàn ông đánh vợ, người phụ nữ được nghe lời khuyên: Cơm sôi bớt lửa, lúc chồng nó nóng thì phải tránh đi chứ, ai bảo cứ chường mặt ra để nó đánh cho. Hay ngay cả các bà mẹ vợ, dù có xót con gái đến đâu cũng vẫn cứ khuyên: Thôi con ạ, giận mất khôn thế thoi, chứ nó cũng chẳng đến nỗi nào. Con cứ nhịn một tí cho êm cửa êm nhà…Thời buổi kinh tế thị trường, đàn ông lấy lý do là phải ra ngoài làm ăn (mặc dù chả biết có làm ăn được gì không) để tối ngày la cà quán sá, rượu chè. Khi người phụ nữ phàn nàn, thì ngay lập tức hầu như mọi người đều nói: Ôi, thời bây giờ đàn ông ai chẳng thế. Miễn là họ không cờ bạc, trai gái là may lắm rồi… Đàn ông ai chả có tật, không tật này thì tật khác, và mọi người (cả 2 giới) đều gần như đương nhiên chấp nhận những tật đó của đàn ông. Nhưng phụ nữ mà có tật (tất nhiên những tật nhỏ thì không nói), là bị lên án ngay. Khi một người đàn ông lấy một cô vợ có nhan sắc không mặn mà cho lắm, người ta thường chép miệng: Sao lại lấy một đứa xấu thế không biết. Trên đời hết phụ nữ rồi hay sao? Còn nếu một cô gái lấy phải một anh chàng “Trương Chi”, người ta sẽ quay sang ca ngợi giọng hát của chàng (nếu có, hoặc không có thì sẽ… tưởng tượng ra cho có). “Đàn ông cần gì đẹp. Chỉ cần có tài” – mà cái “tài” ấy thì không phải lúc nào cũng lộ thiên, do vậy, người ta sẽ khen “hiền lành”, “tốt bụng”, “biết cư xử với nhà vợ”…Người đàn ông cần phải khoẻ mạnh để làm chỗ dựa cho gia đình, vì họ là “phái mạnh”. Tuy nhiên, nếu người đàn ông không được khoẻ mạnh thì mẹ và vợ anh ta sẽ ra sức chăm bẵm, từ miếng ăn đến giấc ngủ. Còn một cô gái nếu hay đau ốm, cô ấy chắc sẽ khó lấy chồng, mà có lấy chồng rồi thì có khi lại “chả dám ốm” nữa vì ốm thì lấy ai chăm sóc mình, chăm sóc con mình? “Đừng bắt đàn ông phải làm ba cái việc lặt vặt đàn bà ấy” - người ta nói thường nói thế. Và người đàn ông sẽ nhận được ánh mắt hết sức cảm thông của mọi người (đặc biệt là nữ giới) khi họ thấy anh ta phải lau nhà, rửa bát. Tuy nhiên, chẳng ai nói với một người phụ nữ là “đừng kiếm tiền”, hay “không nên tự mình dắt xe máy lên tầng 5”. Người đàn ông kiếm được nhiều tiền có thể làm tất cả những gì mình muốn. Họ có thể về nhà bất cứ lúc nào (vào nửa đêm, thậm chí tới sáng hôm sau) và khi ở nhà thì chỉ vắt chân lên ghế ngồi xem tivi để vợ con phục vụ. Còn nếu người phụ nữ làm ra nhiều tiền hơn chồng, cô ấy càng phải khéo léo, càng phải dè chừng lời ăn tiếng nói, kẻo “làm anh ấy chạnh lòng, tự ái”. Đàn ông lúc trẻ mải làm, mải ăn và… mải chơi. Họ không lo giữ gìn sức khoẻ nên về già thường hay ốm đau. Phụ nữ lúc ấy chính là người phải lăn ra chăm sóc. Còn nếu trộm vía, có ông nào trời cho khoẻ mạnh, mà lúc ấy bà vợ do cả đời dảnh sức khoẻ chăm sóc chồng con nên không còn dẻo dai thì ông chồng lại tự cho mình cái quyền đi tìm một người phụ nữ trẻ hơn, khoẻ hơn để “giải toả”. Khi người đàn ông phạm lỗi, họ biết mình sẽ được tha thứ. Còn khi người phụ nữ mắc sai lầm, họ biết chắc mình chẳng còn đường quay về.Phụ nữ rất cần được yêu thương, nhưng phụ nữ lại là những người luôn mang tình yêu thương đến cho người khác giới nhiều hơn những gì mà họ được nhận lại.
Phụ nữ luôn cho nhiều, nhận ít!

No comments:

Post a Comment

Your comments here